Số phận sau chiến tranh Graf Zeppelin (lớp tàu sân bay)

Một mô hình chiếc Graf Zeppelin nhìn từ phía đuôiNhìn từ phía mũi của mô hình

Lịch sử và số phận của con tàu sân bay sau khi Đức Quốc xã đầu hàng đã không rõ ràng trong nhiều thập niên sau chiến tranh. Căn cứ theo những điều khoản của Ủy ban Đồng Minh Tam cường, mọi con tàu "Hạng C" (hư hại hoặc đánh đắm) phải được phá hủy hay đánh chìm tại vùng biển sâu trước ngày 15 tháng 8 năm 1946. Thay vào đó, Liên Xô quyết định sửa chữa con tàu bị hư hại, và nó nổi trở lại vào tháng 3 năm 1946 và được đăng ký trong Hạm đội Baltic dưới tên gọi tàu sân bay Zeppelin (Цеппелин). Bức ảnh cuối cùng được biết đến của nó cho thấy chiếc tàu sân bay đang rời cảng Świnoujście (trước 1945 có tên là Swinemünde) vào ngày 7 tháng 4 năm 1947.[48] Bức ảnh cho thấy trên sàn tàu chất đầy nhiều loại thùng và hộp chứa khác nhau cùng với vật liệu xây dựng, khiến có giả thuyết cho rằng nó được sử dụng vào việc chuyên chở những thiết bị công nghiệp tịch thu được từ Ba Lan và Đức trở về Xô Viết.

Trong nhiều năm, không có thông tin gì về số phận của con tàu. Giả thuyết cho rằng chiếc tàu sân bay được cho chuyển về Leningrad rất ít có khả năng xảy ra, do việc xuất hiện một con tàu lớn và bất thường như vậy sẽ bị tình báo các nước Tây Âu chú ý. Một ý kiến khác cho rằng nó đã bị chìm khi di chuyển từ Świnoujście đến Leningrad. Một giả thuyết cho rằng nó trúng phải mìn về phía Bắc Rügen vào ngày 15 tháng 8 năm 1947; nhưng Rügen, ở về phía Tây Swinemünde, không nằm trên tuyến đường biển đi đến Leningrad. Xa hơn về phía Bắc vịnh Phần Lan, một khu vực được rải mìn dày đặc và rất khó cho các quan sát viên phương Tây có thể theo dõi, mới có nhiều khả năng nghĩ đến.

Sau khi các tài liệu lưu trữ của Liên Xô cũ được giải mật, ánh sáng đã hé mở trên những điều bí mật. Những gì được biết là chiếc tàu sân bay được đặt tên là "PB-101" (Căn cứ nổi số 101) vào ngày 3 tháng 2 năm 1947,[49] và vào ngày 16 tháng 8 năm 1947, nó được sử dụng như một mục tiêu thực hành cho máy bay và tàu chiến Xô Viết. Người Nga đã cho chất bom trên sàn tàu, hầm chứa máy bay và thậm chí trong ống khói nhằm mô phỏng một tải trọng đạn dược chiến đấu, rồi ném bom từ máy bay cùng bắn pháo và ngư lôi nhắm vào nó. Việc thử nghiệm này sẽ tuân thủ (cho dù trễ) với những điều bắt buộc của thỏa thuận Tam cường, đồng thời cung cấp cho phía Xô Viết kinh nghiệm đánh chìm tàu sân bay. Vào lúc này, Chiến tranh Lạnh đang diễn ra, và Liên Xô đã hoàn toàn nhận thức về số lượng và tầm quan trọng của tàu sân bay trong Hải quân Mỹ, vốn sẽ trở thành những mục tiêu chiến lược quan trọng trong trường hợp một cuộc chiến tranh sẽ thực sự nổ ra giữa Liên Xô và Hoa Kỳ. Sau khi bị bắn trúng 24 quả bom và đầu đạn, con tàu vẫn không chìm và phải được kết liễu bằng hai quả ngư lôi.[50] Vị trí bị đánh chìm chính xác của nó đã không được biết đến trong nhiều thập niên tiếp theo.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Graf Zeppelin (lớp tàu sân bay) http://www.maritimequest.com/warship_directory/ger... http://www.unifiedteamdiving.com/profiles/blogs/gr... http://www.bundesarchiv.de/aktuelles/aus_dem_archi... http://www.spiegel.de/international/0,1518,428857,... http://neverhost.net/grafzeppelinn8.jpg //tools.wmflabs.org/geohack/geohack.php?language=v... http://english.pravda.ru/russia/history/04-08-2006... http://news.bbc.co.uk/1/hi/world/europe/5223514.st... https://archive.org/details/completebookoffi0000gr... https://web.archive.org/web/20090622223056/http://...